Giai đoạn trổ – chín bộ lá đòng đóng vai trò quan trọng quyết định đến tỷ lệ vô gạo, năng suất và chất lượng mùa vụ. Bộ lá đòng được ví như một nhà máy và màu xanh của lá đòng được xem là cỗ máy chính để tạo ra tinh bột (hạt gạo).
1. BỘ LÁ ĐÒNG LÀ GÌ ?
Bộ lá đồng gồm 3 lá trên cùng và theo thứ tự từ trên xuống. Ba lá đòng này là nơi quang hợp chính giúp tạo ra dinh dưỡng đường bột chuyển vị vào hạt lúa.
Quang hợp là một quá trình sử dụng năng lượng ánh sáng để tổng hợp ra các hợp chất hydrat carbon thông qua các phản ứng đồng hóa CO2, đây là yếu tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, tích lũy chất khô và hình thành năng suất. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cường độ quang hợp lá có tương quan với năng suất hạt.
Để quang hợp tốt thì lá phải mộc thẳng đứng (tăng tiếp xúc ánh sáng), nguyên vẹn và có màu xanh đẹp (màu xanh là màu của diệp lục tố nơi thực hiện chức năng chuyển hoá, tạo dinh dưỡng đường bột).
2. VAI TRÒ BỘ LÁ ĐÒNG
Khoảng 60% sản phẩm dự trữ vào hạt là sản phẩm từ quá trình quang hợp của lá.
Trên cây lúa, người ta ví hạt lúa là cơ quan dự trữ (nhà kho) tích lũy tinh bột thì bộ lá đòng chính là cơ quan sản xuất (nhà máy) tạo ra đường bột để đem tích lũy trong hạt. Chính vì vậy, trong quá trình canh tác lúa cần phải làm sao cho kho dự trữ càng nhiều càng tốt, bông lúa phải có nhiều hạt và hạt phải to, mẩy hạt, sạch bệnh thì mới tích lũy được nhiều tinh bột, đạt năng suất cao và chất lượng tốt. Còn nhà sản xuất tinh bột cũng phải đủ lớn và hoạt động hữu hiệu để đảm bảo quá trình được vận hành tốt nhất, muốn làm được điều này lá phải quang hợp mạnh để tạo được nhiều dinh dưỡng đường bột và nhất là mùa mưa càng nhanh, càng mạnh càng tốt.
Và theo khuyến cáo của các nhà khoa học làm sao ở giai đoạn đòng, bộ lá đòng phải “xanh bền – xanh sáng – xanh lâu” thì mới đảm bảo được năng suất.
3. YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN BỘ LÁ ĐÒNG
- Dich hại tấn công: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn, cháy vì lá, đạo ôn lá, đốm nâu,…
- Tiến trình lão hoá: Lá già hoá và quá trình chín hạt sản sinh ra khí Ethylen (chất này là chất ức chế làm vàng lá lúa).
- Cây lúa bị Stress: Sốc nhiệt, thời tiết thay đổi đột ngột – biên độ nhiệt chênh lệch, sinh lý cây.
- Thiếu dưỡng chất: Bón phân không cân đối thiếu đạm, thiếu vi lượng thiết yếu cho cây (Zn, Mg, Cu,…).
4. GIẢI PHÁP BẢO VỆ BỘ LÁ ĐÒNG
- Thăm đồng thường xuyên phát hiện dịch hại và phun phòng trừ (nhất ở giải đoạn đón đòng về sau).
- Bón phân đón đòng theo kĩ thuật: Không ngày – Không số, cung cấp đầy đủ phân bón trung vi lượng đáp ứng nhu cầu cây (B, Zn, Mg, Mn, Si,…).
- Bổ sung chất điều hoà sinh trưởng giúp cây vượt qua thời điểm khắc nghiệt, chống sốc, chống Stress và làm giảm quá trình lão hoá của cây.
- Tăng cường bổ sung dinh dưỡng qua lá giúp tăng khả năng quang hợp và chuyển vị tốt dinh dưỡng từ lá vào hạt.